Sáng ngày 26/11/2023 (14 tháng 10 năm Quý Mão). Tại chùa Phước Viên, số 318, Xô Viết Nghệ Tĩnh, quận Bình Thạnh. TT. Thích Đức Trường đã có buổi thuyết giảng “Kinh Đại Thừa Vô Lượng Thọ”, phẩm thứ 31 “ Công đức chơn thật ”.Phẩm này tiếp tục nói về những diệu đức tự lợi, lợi tha của bậc Bồ Tát cõi Cực Lạc. Trước hết lấy biển cả để ví trí huệ Bồ Tát rộng sâu. Tiếp đó dùng núi Tu Di để ví với quả Bồ Ðề cao tột chót vót của Bồ Tát. Nay kinh dùng núi Tu Di để ví vì: Núi Tu Di do bốn báu hợp thành, ngụ ý: Bồ Ðề của Bồ Tát do vạn đức trang nghiêm. Núi Tu Di cao nhất trong các ngọn núi. Cũng vậy, không có gì cao hơn Bồ Ðề được cả. Núi tỏa quang minh nhiệm mầu. Cũng thế, huệ quang thường chiếu thế gian. Núi an tịnh, sáng ngời. An tịnh biểu thị diệu định, như như bất động. Sáng ngời nhằm ví Bồ Ðề khiết tịnh như chất báu vô cấu.
“Oai quang” là ánh sáng oai đức, đây chính là ánh sáng trí huệ. Tâm Bồ Tát vốn tịnh nên tâm họ trắng sạch như núi Tuyết. Tâm họ nhất như nên giống như núi Tuyết bất động. Tâm họ bình đẳng nên cả ba thứ (thanh tịnh, bình đẳng, nhất như) không sai biệt, chỉ một màu trắng tinh thuần.
Tiếp đến kinh giảng rõ công đức chân thật của các vị Bồ Tát cõi ấy. Ðó là đức tự giác, giác tha, hoằng pháp lợi sanh. Bồ Tát nhất tâm chánh trực, an trụ trong pháp Nhất Thừa, lại có đầy đủ phương tiện thiện xảo, siêng gắng cầu pháp, lại còn giảng rộng cho khắp mọi người không biết chán nhàm. Bồ Tát giới đức thanh tịnh nên nói năng gì cũng khiến cho người nghe vui lòng, tin phục. Ðấy chính là đánh trống pháp, giương cao tràng pháp, phóng ánh sáng trí huệ lớn lao, phổ biến rộng rãi diệu pháp, phá trừ vô minh si ám của chúng sanh.
Bồ Tát nội tâm thuần tịnh; dáng vẻ, phong cách ôn hòa, không chỉ nội tâm thanh tịnh mà còn thể hiện ra ngoài, trong ngoài như một. Bồ Tát “tịch định minh sát”, Ðịnh lẫn Huệ đều quân bình, tịch chiếu đồng thời. Vì thế, các Ngài làm đại đạo sư cho chúng sanh, tự giác, giác tha, khiến khắp chúng sanh thảy đều trừ ác sanh thiện, thuận theo Phật pháp, hàng phục tâm sai quấy, xả các chấp trước ái kiến, vĩnh viễn dứt ba độc, khai hiển bản tánh, an trụ thần thông tự tại vô ngại.
Đoạn kế đến kinh này giảng rộng về công đức chân thật của Bồ Tát. Ngài Tịnh Ảnh giảng: “Nhân lực, duyên lực là môn thứ nhất để dựa vào đó mà khởi tu. Hết thảy hạnh lành đã tu trong quá khứ sanh ra điều lành trong hiện tại thì gọi là ‘nhân lực’. Gần thiện tri thức, lắng nghe chánh pháp là duyên lực”.
Ngài Vọng Tây bảo: “Căn lành từ những đời trước gọi là nhân lực. Thân cận thiện tri thức là duyên lực. Do nhân duyên hòa hợp nên có thể khởi hạnh”.
Xét về văn tự, thuyết này khác với hai thuyết trên, nhưng thật chẳng mâu thuẫn nhau! Ngài Tịnh Ảnh lấy điều lành từ quá khứ làm cái nhân cho hiện tại; sách Hội Sớ coi cái tâm Bồ Ðề hiện tại là cái nhân để thành Phật. Thật ra, nếu chẳng có hạnh lành trong nhiều kiếp quá khứ thì chẳng thể phát khởi nổi cái tâm Bồ Ðề trong hiện tại. Nếu chẳng thể phát khởi nổi tâm Bồ Ðề thì không có cái nhân thành Phật!Như vậy, hai thuyết trên chỉ bổ sung lẫn nhau; nhưng trong hai thuyết trên, thuyết của sách Hội Sớ gần với ý chỉ kinh này hơn vì phát Bồ Ðề tâm, một bề chuyên niệm chính là tông chỉ của kinh này.
Tịnh Ảnh Sớ giảng “nguyện lực” như sau: “Nguyện để khởi hạnh thì gọi là nguyện lực”. Ngài Vọng Tây bảo: “Cầu Bồ Ðề Tâm là nguyện lực”. Sách Hội Sớ lại bảo: “Nguyện lực là Tứ Hoằng Thệ Nguyện để nghiêm tịnh cõi nước Phật, thành tựu chúng sanh”.Tổng hợp cả ba thuyết trên thì dùng Tứ Hoằng Thệ Nguyện để trang nghiêm cõi nước, thành tựu chúng sanh, mong cầu tâm Bồ Ðề mình sẵn có, tất cả đều là từ nguyện khởi hạnh nên gọi là nguyện lực. Có nguyện mà không hạnh thì chỉ là nguyện suông nên chẳng có công lực.
Nhân duyên hòa hợp như vậy, lại đầy đủ nguyện lực nên tự nhiên “xuất sanh thiện căn”. Vì vậy, điều lành sanh ra diệu quả, lại còn sanh ra các điều thiện khác nên gọi là “thiện căn”.
Hình ảnh tại buổi giảng:
Thực hiện: Diệu Thanh – Tâm Phúc