Đến tham dự Hội nghị Nữ giới Phật giáo Quốc tế Sakyadhita lần thứ 15 được tổ chức tại trường Đại học Hong Kong, các thành viên Phái đoàn Nữ giới Phật giáo Việt Nam không chỉ học hỏi được những kiến thức bổ ích và kinh nghiệm từ các tham luận mang tính học thuật cũng như các hoạt động văn hóa bên lề mà còn được trải nghiệm thêm được một nền văn hóa thú vị “vừa gần vừa xa” thông qua cách thức phục vụ ẩm thực mới mẻ và chuyên nghiệp của Ban Tổ chức Hội nghị.
Ẩm thực Hong Kong được biết đến là một trong những nền ẩm thực đa dạng và độc đáo của phong cách ẩm thực Trung Hoa. Không chỉ hương vị, giá trị dinh dưỡng mà dường như cả bản sắc văn hóa lâu đời cũng được lồng vào ẩm thực qua cách thể hiện cũng như cách thức phục vụ các món ăn ở nơi đây. Món ăn Trung Hoa không xa lạ gì với khẩu vị của đa số người Việt Nam nhưng thức ăn Hong Kong lại có phần khác lạ.
Trước hết là món ăn ở đây có phần nhạt thanh hơn, không đậm đà như hầu hết các món ăn Việt Nam quen thuộc. Đối với nhiều người, món ăn nhạt khiến cho khẩu vị có phần không quen nhưng có thể thấy đây cũng là một nét tinh tế của Ban Tổ chức Hội nghị vì khoa học đã chứng minh rằng ăn nhạt một chút là một trong những cách thức để bảo vệ sức khỏe, tốt cho hệ tuần hoàn tim mạch,… Điều này rất thích hợp cho sức khỏe của các vị Ni trưởng cũng như phần lớn chư Ni của đoàn Việt Nam vốn đặt sự thanh đạm lên hàng đầu. Món ăn nhạt, giàu dinh dưỡng kết hợp với việc đi bộ thường xuyên cũng phần nào lý giải cho tuổi thọ trung bình của người dân Hong Kong luôn được xếp vào hàng khá cao trên thế giới.
Thứ hai, phong cách ẩm thực tại đây chính là sự giao thoa giữa phong cách Á và Âu, giữa nguyên liệu truyền thống với cách thức chế biến hiện đại. Sự kết hợp này tạo cảm giác sang trọng cho món ăn nhưng lại rất gần gũi với các loại gia vị đặc trưng và các món ăn đậm chất Á Đông như xì dầu, vị thuốc Bắc thanh nhạt, nước xốt, bánh bao, trà ủ hương,… mà lại đầy đủ dưỡng chất cần thiết.
Thứ ba, cách thức tổ chức thưởng thức ẩm thực tại Hội nghị Sakyadhita là một biểu hiện sinh động cho văn hóa ẩm thực Hong Kong. Hội nghị Sakyadhita lần này được tổ chức với sự phối hợp của Sakyadhita và Trung tâm Nghiên cứu Phật học, Đại học Hong Kong. Không như những lần tổ chức trước đây, cách thức phục vụ bữa ăn chủ yếu theo kiểu buffet với ba bữa mỗi ngày, lần này mỗi người tham dự được cung cấp hai tập phiếu ăn (voucher), để đổi lấy thức ăn cho bữa sáng và bữa trưa tại 5 nhà hàng, căn tin theo danh sách phục vụ mà Hội nghị cung cấp ngay trong khuôn viên rộng lớn của trường Đại học. Ngày đầu tiên ở Hội nghị, hầu như mọi người đều bất ngờ với cách tổ chức ăn uống mới này. Do vấn đề sức khỏe, ngoại ngữ và những bất đồng văn hóa ban đầu, các vị Ni của phái đoàn Việt Nam chưa quen với cách thức sử dụng phiếu ăn như thế này và nơi nhận thức ăn vì trường Đại học quá rộng lớn. Đây quả là một tình huống thật sự khó khăn cho đoàn! Tuy nhiên, sau khi được các tình nguyện viên hướng dẫn, mọi người đã thích nghi một cách vui vẻ với sự thay đổi mới mẻ này. Dần dần, mọi người đều cảm thấy thích thú vì ai cũng được trải nghiệm sự phong phú về ẩm thực và phong cách phục vụ của các nhà hàng nơi đây. Hơn nữa, chính phong cách phục vụ chuyên nghiệp, lịch thiệp và văn hóa xếp hàng ở xứ sở tân tiến, tốc độ phát triển như vũ bão này cũng là điều đáng phải học hỏi.
Tuy vậy, cách thức tổ chức này cũng nhận nhiều ý kiến trái chiều. Phần lớn các ý kiến này cũng đều xuất phát từ việc chưa quen với phong cách sinh hoạt công nghiệp, nếp sống quá nhanh, cách thức ăn uống của người bản địa và đơn vị tổ chức. Nhưng nhìn nhận một cách tích cực, việc ăn uống tự do thế này có khá nhiều ưu điểm. Ví dụ, trong các lần tổ chức trước, thực đơn mỗi bữa ăn buffet chỉ từ 6 đến 7 món, lần này, mọi người có thêm rất nhiều sự lựa chọn món ăn và không gian thoáng đãng dùng bữa tùy thích, đồng thời có dịp tham quan môi trường học tập và sinh hoạt của sinh viên ở ngôi trường rộng lớn và danh tiếng này. Hơn nữa, đây là một quốc gia mà Phật giáo không phải là quốc giáo nên việc ăn chay cũng không được phổ biến. Việc phục vụ thức ăn chay liên tục cả tuần lễ cho số lượng lớn thực khách của Hội nghị như thế có lẽ là vấn đề không đơn giản đối với những người thực hiện, đây lại là các nhà hàng, hàng ngày chỉ phục vụ thức ăn mặn cho nhân viên và sinh viên trong trường mà thôi. Bởi vậy, xét một cách khách quan, đây thực sự là một nỗ lực rất lớn từ phía đơn vị tổ chức.
Có một điều không ít người tham dự Hội nghị vẫn thắc mắc: không có phiếu cho bữa ăn chiều. Dù nguyên nhân không được Ban Tổ chức công bố nhưng có lẽ vào buổi chiều, các nhà hàng, căn tin của trường hết giờ mở cửa. Hơn nữa, những cố gắng của Ban Tổ chức cho các bữa sáng và trưa cũng đã chiếm một phần lớn kinh phí tổ chức của Hội nghị. Vì vậy, bữa chiều có thể coi là một cơ hội tốt cho khách tham dự Hội nghị tự thưởng thức thêm các món ăn hấp dẫn khác của phố phường Hong Kong, có thêm những trải nghiệm về một nền văn hóa ẩm thực tinh hoa, văn minh của xứ sở hoa lệ này. Điều nhận thấy là các nhà hàng, kể cả quán ăn nhanh trên đường phố Hong Kong đều sạch sẽ, tinh tươm, đẹp mắt, phục vụ tận tình, chu đáo và tất cả thực khách cũng đều phải xếp hàng chờ đến lượt mình.
Mười ngày tại Hong Kong là quãng thời gian ngắn ngủi đối với các thành viên của đoàn Việt Nam. Dù còn một số trục trặc nhỏ như không được cung cấp đầy đủ phiếu ăn và cách tự phục vụ lạ lẫm,… nhưng qua đó các thành viên lại có dịp để san sẻ những phiếu ăn với nhau, cảm nhận được thiện chí và hỗ tương của nhau, càng thêm hiểu và thương yêu nhau nhiều hơn. Điều đọng lại trong tâm trí mọi người về văn hóa ẩm thực tại Hội nghị Sakyadhita có lẽ chính là những trải nghiệm về cách thức ăn uống, món ăn lạ miệng cũng như tình cảm dành cho nhau thông qua sự chia sẻ trong khó khăn nơi xứ người.
TS. Tống thị Quỳnh Hương