Sáng ngày 8/10/2023 (24 tháng 8 năm Quý Mão). Tại chùa Phước Viên, số 318 Xô Viết Nghệ Tĩnh, quận Bình Thạnh. ĐĐ.Thích Giác Thái đã có buổi thuyết giảng “Kinh Vô Lượng Thọ”, phẩm thứ 25 ” Chánh nhân Vãng sanh”.Trong phẩm trước, kinh chú trọng phẩm vị sau khi vãng sanh chứ chưa bàn chi tiết về những nhân hạnh để được vãng sanh. Vì vậy, phẩm này lại bàn rộng thêm về chánh nhân vãng sanh và được đặt tên là “Chánh nhân vãng sanh”. Hai phẩm này cùng tạo thành cái cốt lõi của kinh, hỗ trợ lẫn nhau: Phẩm trên tuy chỉ nói đến sở hạnh của ba bậc vãng sanh, nhưng đó cũng là một phần của chánh nhân vãng sanh. Ba bậc vãng sanh chính là quả của những chánh nhân sẽ được nói đến trong phẩm này.
Chánh nhân thứ nhất gồm có sáu điều: thọ trì kinh này, cầu sanh Tịnh Ðộ, phát tâm Bồ Ðề, nghiêm trì các giới, lợi lạc hữu tình, nhớ Phật niệm Phật. Những điều trên là Nhân, tiếp đây sẽ nói về Quả. Nhân quả phụ thuộc vào nhau như bóng theo hình: “Người ấy lúc lâm chung, được sắc tướng như Phật”. Người ấy giống như Phật (nghĩa là) thân sắc vàng rồng, đủ 32 tướng, lại đầy đủ các thứ công đức trang nghiêm như Phật. “Sanh trong cõi báu, chóng được nghe pháp”: người ấy mạng chung rồi sắc tướng giống như Phật, lại chóng được nghe pháp.
Chánh nhân thứ hai. Trong loại chánh nhân này có ba điều: tu hành Thập Thiện; ngày đêm niệm Phật; chí tâm quy y, đảnh lễ cúng dường. Thập thiện gồm: không sát sanh, không trộm cắp, không dâm dục, không nói dối, không nói lời thêu dệt, không ác khẩu, không nói lời đôi chiều, không tham lam, không sân, không si (không tà kiến).
Mười thứ thiện kể trên đều là hạnh lành thế gian. Báo Ân Luận bảo: “Hễ là thiện hạnh đều có thể vãng sanh; nhưng cần phải thường niệm Phật hồi hướng thì chuyển được việc lành thế gian thành cái nhân Tịnh Ðộ. Vì vậy, Phật giảng các kinh đều nói kèm thêm hạnh lành thế gian; nhưng riêng với mười điều thiện này Phật giảng riêng một kinh (kinh Thập Thiện Giới). Tịnh ba nghiệp nơi thân, bốn nghiệp nơi miệng, ba nghiệp nơi ý chính là căn bản của việc tu trì vậy”.
Vãng Sanh Luận nói: “Nếu thiện nam tử, thiện nữ nhân tu thành tựu ngũ niệm môn thì rốt ráo được vãng sanh cõi nước An Lạc, gặp đức Phật A Di Ðà kia”. Diệu nhân cảm quả cho nên lúc lâm chung được Phật bổn nguyện gia oai “từ bi gia hựu khiến tâm chẳng loạn”. Vì vậy, “chẳng kinh, chẳng sợ, tâm chẳng điên đảo”. “Chẳng kinh” là chẳng kinh hoàng, hoảng hốt. “Chẳng sợ” là chẳng hãi sợ, khiếp đảm; “chẳng điên đảo” là tâm chẳng lầm loạn, chánh niệm tưởng nhớ đến Phật vẫn hiện tiền như thường cho nên được vãng sanh.
Chánh nhân vãng sanh thứ ba này gồm hai điều: một là tu hành các điều lành thế gian, hai là ngay lúc rảnh trong khi bận rộn để chánh niệm hầu được vãng sanh. Loại chánh nhân này dành cho người bận rộn, thời gian rảnh rỗi rất ít nên chưa thể tu trai giới đầy đủ cũng như khó lòng giữ nhất tâm thanh tịnh được. Những người như vậy nên nỗ lực làm lành, nên chộp ngay lúc rảnh giữa cơn bận rộn, khéo giành thời cơ: hễ gặp duyên liền tu chẳng để lỡ uổng thì cũng quyết định được vãng sanh. Ðiểm kỳ diệu của Tịnh tông là ‘chẳng lìa Phật pháp mà hành thế pháp, chẳng phế thế pháp mà chứng Phật pháp’
Tiếp đó, kinh nói đến cách tìm cái nhàn trong khi bận rộn để tinh tấn niệm Phật: Nếu muốn làm lành thì thế nào là bậc nhất? Nên tự đoan nghiêm tâm, nên tự đoan chánh thân, đều thường nên tự đoan chánh cả “tai, mắt, mũi, miệng”. Vì vậy gặp lúc rảnh rỗi thì trước hết phải đoan thân, chánh ý. “Suy nghĩ kỹ càng muốn được độ thoát” chính là suy nghĩ chín chắn, sâu xa mong được thoát khỏi sanh tử. “Nguyện muốn vãng sanh” là xả uế cầu tịnh, đem hết thảy công đức hồi hướng vãng sanh. “Ngày đêm thường niệm cõi nước thanh tịnh của A Di Ðà Phật”. Ðấy chính là chánh hạnh nhớ Phật, niệm Phật để vãng sanh.
Liên tục như thế trong mười ngày mười đêm là công hạnh phải có của hết thảy hành nhân; còn thực hành được như thế trong một ngày một đêm là công hạnh phải có của bậc nhiều thiện căn. Cứ tùy theo thiện căn mà thực hành chẳng đoạn tuyệt trong mười ngày mười đêm hoặc trong một ngày một đêm thì khi mạng chung đều được vãng sanh. Do đó, kinh nói: “Khi tuổi thọ hết đều được sanh về cõi ấy”. Ðây là chánh nhân vãng sanh của hành nhân thuộc loại thứ ba, công đức kém hơn hai loại trước.
Ðoạn kinh tiếp theo đây giảng rõ: Các hạng người vãng sanh, nhân hạnh tuy khác nhau nhưng hễ sanh về cõi ấy rồi thì đều là Ðại Thừa cả, đều thành cùng một loại.
Tiếp đó, kinh nói đến cái quả nhân hạnh. Nhân dẫu thiên sai vạn biệt, nhưng quả chỉ một vị: Hành nhân Ðại Thừa chết đi sanh về cõi kia đều “đắc A Duy Việt Trí”, đều đạt thân sắc vàng tía, đều đầy đủ ba mươi hai tướng đại trượng phu; chẳng những thân tướng giống như đức Phật mà còn “đều sẽ thành Phật”.
Những người vãng sanh nguyện làm Phật ở phương nào thì không ai lại chẳng được thành tựu xứng với tâm nguyện; bởi vậy, kinh nói: “Ðều như sở nguyện”. Còn lúc nào sẽ thành Phật lại tùy thuộc vào hành nhân “tinh tấn chậm hay mau”. Sớm tinh tấn thì sớm thành Phật; đây chính là điều sai biệt trong lẽ bình đẳng. Bình đẳng mà có sai biệt nên có thành Phật sớm hay chậm. Ðiều bình đẳng trong sai biệt chính là đều sẽ thành Phật, nên kinh nói: “Cầu đạo chẳng ngơi thì sẽ đạt được, chẳng bị thất vọng”. Nghĩa là: cái tâm cầu đạo tinh tấn chẳng ngơi thì đều sẽ thành Phật, quyết định chẳng trái nghịch với bổn nguyện được thành Phật.
Vì vậy, chư Phật trong vô lượng, vô biên không thể tính kể thế giới “đều cùng khen ngợi tất cả công đức của Vô Lượng Thọ Phật”. Phàm phu vãng sanh đều là bất thoái chuyển, địa vị ngang với Bổ Xứ Bồ Tát. Ðây chính là điều cả mười phương thế giới không nơi nào có nổi. Do đó, mười phương Như Lai cùng khen ngợi Vô Lượng Thọ Phật.
Hình ảnh tại buổi giảng:
Thực hiện: Diệu Thanh – Minh Đạt