Sáng ngày 15/10/2023 (mùng 1 tháng 9 năm Quý Mão). Tại chùa Phước Viên số 318, Xô Viết Nghệ Tĩnh, quận Bình Thạnh. TT. Thích Minh Nhựt đã có buổi thuyết giảng “Kinh Đại Thừa Vô Lượng Thọ”, phẩm thứ 26 “Lễ Cúng Thính Pháp”.Phẩm này mang tên Lễ Cúng Thính Pháp vì “lễ cúng” là các Đại Bồ Tát trong mười phương thế giới đều đến thế giới Cực Lạc lễ bái, cúng dường A Di Ðà Phật; “thính pháp” là đức A Di Ðà Phật nghĩ thương những vị đó, nên tuyên dương diệu pháp; mười phương Ðại Sĩ hoan hỷ nghe nhận.
Việc A Di Ðà Phật thuyết pháp nói trong phẩm này chính là do đức Thích Tôn kể lại, nhưng bậc đạo sư hai cõi chẳng hai, chẳng khác. Lời đức Thích Ca nói nào khác chính miệng A Di Ðà Phật dạy! Vì thế, nay chúng ta đọc kinh này nào khác với người được đích thân dự pháp hội nghe pháp. Cuối phẩm này, đức Thích Ca lại khen các Ðại Sĩ đến nghe pháp đã tự lợi mình, lợi người, thọ ký họ sẽ thành Phật. Trước hết, kinh nói phương Ðông, tiếp theo nói về hằng sa thế giới trong các phương khác. Trong mỗi thế giới ấy, đều có Bồ Tát thánh chúng số đông như cát sông Hằng cùng đến cõi Cực Lạc lễ kính Vô Lượng Thọ Phật, cùng dùng tâm thành kính dâng hiến các thứ phẩm vật trân quý, vi diệu, thù thắng như bản Ngụy dịch chép: “Mỗi người cầm hoa trời, hương báu, y vô giá) v.v. Ðó là tài cúng dường. Tiếp theo đây là pháp cúng dường.
Bài kệ này ý nói những lời tán thán ca tụng đức Phật Di Dà cùng cõi nước của Ngài đều từ lòng chân thành mà phát xuất những tiếng tán thán ấy âm điệu hòa nhã nên bảo là “hòa nhã âm”. Ở đây, các Bồ Tát tán thán A Di Ðà Phật đã cùng tột cội nguồn Thật Tướng của các pháp, xuất nhập vô ngại, nên mới nói: “Du nhập thâm pháp môn”. Thấu hiểu tột cùng đến tận cội rễ thì rất là sâu xa nên mới bảo là “thâm pháp môn”.
Bồ Tát do nghe danh hiệu Phật nên đối với những thứ cúng dường như vừa nói trên đều siêng gắng tu trì chẳng hề sanh lòng lười biếng, mệt mỏi. Vì thế kinh nói: Siêng tu không lười mỏi”. Những điều như trên đều là do danh hiệu Phật công đức chẳng thể nghĩ bàn. Trong Cực Lạc thế giới “vạn vật trong nước nghiêm tịnh, sáng đẹp, hình sắc lạ lùng, đặc biệt, cùng vi cực diệu”. Hình sắc, quang tướng, danh số của muôn vật đều chẳng thể kể nói nổi, cũng chẳng thể biện định rành rẽ nổi. Ðó là vì cõi ấy thù thắng vi diệu, không thể dùng ngôn ngữ, tư duy để lãnh hội nổi.
Các thứ trang nghiêm nhập vào trong một pháp cú tức là thanh tịnh cú. Thanh tịnh cú là “chân thật trí huệ vô vi Pháp Thân”. Y báo, chánh báo cõi Cực Lạc đều trang nghiêm bằng công đức của Thật Tướng nên bình đẳng hiện khắp. Vì thế, kinh mới nói: “Công đức trang nghiêm khắp”. Cõi nước mầu nhiệm như kinh đã khen: “Vượt hẳn hết thảy thế giới trong mười phương” nên kinh mới nói: “Các cõi Phật khó sánh”. Mười phương Bồ Tát thấy cõi ấy trang nghiêm thanh tịnh vượt xa mười phương, Phật hiệu có công đức phổ độ hết thảy, nên phát đại tâm, nguyện chính mình khi thành Phật cũng sẽ thành tựu cõi nước giống như vậy như kinh Duy Ma đã nói: Dùng những sự trang nghiêm của các Tịnh Ðộ để tạo thành cõi Phật của chính mình. Nguyện mình cũng có thể tế độ đến tột cùng đời vị lai như A Di Ðà Phật.
Lời sớ giải này thật tinh diệu, vì hết thảy các pháp không pháp nào chẳng do một pháp giới biến hiện ra, cũng không một pháp lại chẳng quy về một pháp giới này. Một pháp giới chính là một pháp cú.
Ðức Thích Tôn trần thuật xong lời hiểu dụ từ bi đối với mười phương Chánh Sĩ của Phật Di Ðà xong, Ngài liền tiếp tục khai thị cho mọi người trong pháp hội cõi này.
Những người “nghe pháp vui mừng nhận lấy, thực hành” chính là mười phương Chánh Sĩ. Thập phương chư Phật khuyên răn các vị Chánh Sĩ trong nước mình nên kính lễ A Di Ðà Phật. Các vị Chánh Sĩ ấy tuân lời Phật dạy đi đến thế giới Cực Lạc, được thấy Vô Lượng Thọ Phật, nghe giảng lãnh nhận diệu pháp. Nghe xong nếu tin ưa nhận lãnh, thực hành, một lòng mong cầu cõi tịnh thì đều được thọ ký: Sẽ được thành Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác.Ở mức độ thấp hơn thì chí thành niệm Phật, không một mảy băn khoăn, ngờ vực, tịnh niệm tiếp nối không hề gián đoạn, thầm hợp diệu đạo, niệm mà ly niệm thì cũng đáng gọi là “ngầm đạt đến chỗ thanh tịnh”. Những người như vậy cũng đều sẽ được Vô Lượng Thọ Phật thọ ký, tương lai ắt sẽ thành Phật. Ngài sẽ gia bị một cách hiển nhiên hoặc thầm gia hộ; đó là do trí huệ, nguyện hạnh, thiện căn, phước đức mỗi người đều sai khác.
Do lời nguyện thứ mười bảy “chư Phật khen ngợi” nên mười phương chúng sanh được nghe danh hiệu Ngài, lại do các nguyện nghe danh phát tâm, nghe danh được phước, nghe danh đắc Nhẫn v.v, hỗ trợ nên họ đều tín nguyện trì danh, được sanh cõi Cực Lạc, chứng ngôi vị Bất Thoái. Vì thế kinh nói: “Văn danh dục vãng sanh, tự trí Bất Thoái Chuyển” (Nghe danh muốn vãng sanh, tự đạt Bất Thoái Chuyển). Ðấy chính là lời nguyện mười tám: “Nghe danh hiệu ta, chí tâm tin ưa, nguyện sanh cõi ta mười niệm ắt được vãng sanh”.Câu “ Bồ Tát khởi chí nguyện” ý nói các Bồ Tát đã được vãng sanh, đều cảm mộ ân sâu của Phật, đều học theo đức Di Đà, nên đều phát đại nguyện; cho nên kinh mới nói là: “ Dấy lên chí nguyện”.
Vì thế, họ nguyện cũng nhiếp lấy cõi Phật giống như cõi Cực Lạc để độ vô biên chúng sanh đều phát Bồ Ðề tâm, một dạ chuyên niệm A Di Ðà Phật, cùng sanh Tịnh Ðộ, chóng chứng Bất Thoái, chứng Pháp Thân của Phật. Ðó là hạnh lợi tha của Bồ Tát, cho nên mới nguyện “ nguyện cõi mình chẳng khác”.Trong cõi Cực Lạc, mười phương Chánh Sĩ đã vãng sanh và các vị Bồ Tát được các Ngài lần lượt độ thoát đều thờ kính, hầu hạ khắp các chư Phật, cung kính, lễ bái, thân cận, hoan hỷ, nghe pháp, rồi lại cung kính hoan hỷ trở về cõi Cực Lạc.
Hình ảnh tại buổi giàng:
Thực hiện: Diệu Thanh – Minh Phát