Khi vừa được giao cho phụ trách chuyên mục “Giới thiệu Tự viện Ni tại Thành phố Hồ Chí Minh” hàng tháng trên Đặc san Hoa Đàm, tác giả đã có ý định viết về Tổ đình Huê Lâm, nơi Hoa Đàm đặt văn phòng, nhưng e ngại tác giả ưu tiên “chùa nhà”. Mãi đến nay, hội đủ duyên lành, nhân dịp xuất bản chuyên san tưởng niệm cố Sư trưởng Thích Nữ Như Thanh – Viện chủ Tổ đình Huê Lâm, Nguyên Chủ biên Hoa Đàm, tác giả mượn bài viết này, như nén tâm hương dâng lên cố Sư trưởng, nhằm tri ân công đức Người.
Ngôi Tổ đình Huê Lâm hiện tọa lạc tại số 680 Hồng Bàng, phường 2, quận 11, TP. Hồ Chí Minh. Thuở sơ khai, ngôi chùa chỉ là một Tịnh thất nhỏ, có kiến trúc đơn giản do bà Trần Thị Nhiều xây dựng cho dòng họ tu đạo theo dạng cải gia vi tự. Để có nơi đào tạo Ni tài và Ni chúng có chỗ tu học trang nghiêm, năm 1945, Sư trưởng Như Thanh từ chùa Hội Sơn nhận lời mời của ông bà Tri huyện Nguyễn Kỳ Sắc về đây sinh hoạt. Đến năm 1953, Sư trưởng được gia đình bà Nhiều chính thức giao quyền quản lý ngôi chùa. Dưới sự nỗ lực vận động và thành lập của Sư trưởng, ngày 06/10/1957, Ni bộ Bắc Tông được thành lập trong niềm hân hoan của Ni chúng và đặt trụ sở tại Huê Lâm.
Từ năm 1958, chùa đã mở các lớp bình dân học vụ miễn phí, Tiểu học Kiều Đàm miễn phí. Đến năm 1970, chùa lại mở các lớp Trung học miễn phí. Từ năm 1965, chùa đã mở các phòng khám bệnh và hốt thuốc miễn phí, cả Đông y và Tây y.
Sư trưởng Thích Nữ Như Thanh thuộc Chi phái Lâm Tế, dòng Đạo Bổn Ngươn, đời thứ 40, là vị Đệ nhất Trưởng lão Ni của miền Nam, là người thầy kính yêu của Ni giới ở thành phố.
Năm 1957, Sư trưởng cùng quý Sư bà trong Ban Quản trị Ni bộ Nam Việt xét thấy cần có một trụ xứ khang trang rộng rãi để đặt trụ sở Ni bộ, thuận tiện cho việc hội họp sinh hoạt. Do đó, Sư trưởng đích thân kêu gọi quý Sư bà trong Ban Chấp hành đứng vào Ban Kiến lập vận động tài chánh xây dựng chùa Từ Nghiêm, làm Tổ đình Ni giới và trụ sở Ni bộ Nam Việt. Công trình này do Hòa thượng Hồng Đạo (bào huynh của Sư trưởng) thiết kế đồ án và chỉ đạo thi công, ông Tố Tân và bà Diệu Đạo phụ lực, cùng chư Phật tử xa gần đóng góp tài chánh một cách đắc lực.
Năm 1959, chùa được tái thiết toàn diện theo kiến trúc hiện đại, kiến trúc sư Nguyễn Minh Đạt lập đồ án theo ý kiến của Sư trưởng, đến năm 1970, một dãy lầu 5 tầng được cất thêm phía sau chánh điện để làm Ni xá và trường học.
Năm 1972, Giáo hội giao chức Vụ trưởng Ni bộ Bắc Tông cho Sư trưởng. Về sau, các vị thừa kế chức vụ này đều tôn Sư trưởng làm Cố vấn tối cao. Cũng trong năm này, chỉ có Sư trưởng giàu uy tín nhất, mới có thể đứng ra triệu tập một Đại hội Ni khoáng đại (từ vĩ tuyến 17 trở vào) tại chùa Từ Nghiêm, vào hạ tuần tháng 12.
Đến 1975, sau ngày đất nước thống nhất, Sư trưởng vẫn ở tại chùa Huê Lâm, tiếp tục nghiên cứu, phiên dịch Kinh điển và xây dựng các công trình Phật giáo. Lúc này, Ni bộ không còn chính thức hoạt động như xưa, nhưng Sư trưởng – với tư cách là người lãnh đạo Ni giới – vẫn đầy đủ uy tín và đạo đức như ngày nào. Một bằng chứng hiển nhiên là những nghi lễ, quy điều mà Ni bộ đã đưa ra, các chùa Ni vẫn luôn tuân thủ hành trì. Thế mới biết niềm tin yêu và sự kính trọng của Ni giới đối với Ni trưởng chẳng phải một thời!
Ngày 11/3/1993, chùa đặt viên đá đầu tiên xây dựng lại. Đến năm 1995, lễ Lạc thành được tổ chức vào ngày 19/3. Trong dịp này, Sư trưởng mở Tăng Thiên Hội cúng dường 1.250 vị Tăng Ni.
Mặc dù ngôi chánh điện mới đã được xây dựng khang trang hơn nhưng để tưởng nhớ Sư trưởng, Ban Quản trị Tổ đình đã quyết định giữ lại ngôi chánh điện xưa, nơi lưu dấu toàn bộ hình ảnh và hoạt động của Sư trưởng, hoạt động song song cùng ngôi chánh điện mới trên lầu hai. Ngôi chánh điện xưa nổi bật với hai bức phù điêu Bồ tát Quan Âm và Địa Tạng và nhiều cổ vật quý giá khác chính là đề tài khảo cứu của nhiều học giả mỹ thuật, khảo cổ,…
Tổ đình Huê Lâm tuy nằm ở vị trí trục giao thông náo nhiệt, quan trọng, là cửa ngõ nối liền thành phố với các tỉnh miền Tây, nhưng ngôi chùa vẫn giữ được vẻ cổ kính, trang nghiêm, càng cho thấy thêm được khối óc kiến trúc của người lãnh đạo xưa khi xây dựng ngôi Tam bảo. Với vị trí như thế, Tổ đình trở nên thuận tiện cho hành giả và Phật tử gần xa chiêm bái vào những ngày đầu Xuân này.
Vân Phàm
Tài liệu tham khảo
Tổ đình Huê Lâm (1999), Sư trưởng Như Thanh: Cuộc đời và sự nghiệp, NXB. TP. Hồ Chí Minh.