Chủ Nhật, 20 Tháng 4 2025

TP. HCM: KINH A DI ĐÀ DO TT. THÍCH QUẢNG LỰC THUYẾT GIẢNG TẠI CHÙA PHƯỚC VIÊN

Sáng ngày 13/ 4/ 2025 (16 tháng 3 năm Ất Tỵ), tại chùa Phước Viên, số 318, Xô Viết Nghệ Tĩnh, P. 19, quận Bình Thạnh, TP. HCM. TT. Thích Quảng Lực đã có buổi thuyết giảng  KINH A DI ĐÀ, chủ đề: “Nguyện” (áp dụng giáo lý Phật Đà vào cuộc sống hiện đại). Tín là điều kiện tối sơ quan trọng nhất cho hành giả tu hành pháp môn niệm Phật, thì Nguyện cũng là một điều kiện không thể thiếu để sinh về thế giới Cực Lạc. Nguyện như là ngọn lửa để nấu chín một nồi cơm, như ước mơ của một cậu học trò về giảng đường đại học, trước khi là sinh viên anh ta đã từng mơ về nó, ngày và đêm, có ước mơ anh ta mới nỗ lực hạ quyết tâm thi đỗ. Như vậy Nguyện là mong muốn, thề nguyền cầu sanh Tây phương Cực lạc, ngày đêm ước mơ, ngày đêm nhớ nghĩ mong muốn sanh về. Có thể tạm chia Nguyện gồm hai nghĩa: Mong muốn thiết tha sanh về Cực Lạc từng phút từng giây, đối chiếu vui khổ hằng ngày, như cõi Ta-bà đây có chướng duyên, thân ngũ uẩn thức dậy miệng hôi, cảnh trí đường phố bụi bậm; còn cõi Cực Lạc kia không có chướng duyên, thân liên hoa miệng thơm, đất bằng vàng, thảo mộc bằng châu, môi trường trong sạch, không có độc tố, v.v…Phát Bồ-đề tâm cầu thành Phật, xét thấy nơi cõi Ta-bà tu hành rất khó, ở cõi Cực lạc tu tiến dễ dàng, thuận tiện. Vâng lời đức Phật Thích-ca cầu sanh cõi Phật Tây phương, tu học cho kết quả; vâng lời đức Phật A-di-đà trở lại Ta-bà phụ tá đức Phật Thích-ca giáo hóa chúng sanh, xong rồi về Cực Lạc thế giới an dưỡng.Hành giả không cần băn khoăn vì tuổi già, sức yếu không kham nổi như sự tu tập theo các pháp môn khác, cũng không bận lòng vì mình còn bận lo toan cho cuộc sống, lại càng không tủi thân vì mình không được trau dồi kiến thức để tiếp nhận giáo lý thâm sâu và hầu như không có một trở ngại đáng kể nào cho người niệm Phật. Trong bất cứ nghề nghiệp nào ta đều có thể niệm Phật mà không hề trở ngại cho công việc. Bất cứ ở đâu ta đều có thể niệm Phật mà không bị ràng buộc bởi một nghi thức nào. Tai điếc, ta vẫn có thể ghi nhớ bằng mắt. Mắt mờ, ta vẫn có thể nghe danh hiệu qua tai. Tại công sở, ta cũng niệm Phật được. Làm việc nhà, bế con, nuôi mẹ, v.v… ta cũng niệm Phật được. Khi vui, ta chào đón bằng câu niệm Phật. Lúc buồn, ta chia sẻ bằng câu niệm Phật. Gặp chuyện không như ý, ta nhớ đến đức tính từ bi qua câu niệm Phật để xoa dịu tâm sân, v.v… và trong mọi lúc, mọi nơi, chỉ cần ta còn hơi thở thì ta đều có thể niệm Phật. Và bất cứ ai có thể nhất tâm niệm Phật đều được bình đẳng vãng sanh đúng như bản nguyện của đức A-Di-Đà.Đã tin rằng Ta-bà là uế trược, “ba cõi vốn không an” và rằng Tịnh độ vốn thù thắng an vui và sự trợ lực của đức Di Đà là vi diệu, v.v… thì chúng ta sẽ một lòng cầu thoát ly cái khổ tử sanh ba cõi, nguyện đón nhận lòng từ của đức Di Đà nhiếp dẫn mà nhất tâm cầu sanh về cõi vô sanh diệt của Ngài. Nguyện theo lời dạy mà tu hành, lấy công đức niệm Phật của mình cảm ứng với bản nguyện của Phật, đới nghiệp vãng sanh, vĩnh thoát sanh tử. Vậy nên kinh dạy: “Nếu người thiện nam, thiện nữ nào có lòng tin thì nên phát nguyện sinh về thế giới ấy”. Và, đức Phật cũng nhắc lại trong kinh rằng: “Xá- lợi-phất, nghe như vậy, chúng sanh nên phát nguyện sinh về Cực Lạc”, “ai nghe nói như vậy thì nên phát nguyện sinh về cõi nước ấy”.Và kinh văn còn khẳng định thêm rằng: “Nếu có người đã phát nguyện, đang phát nguyện, sẽ phát nguyện, mong sinh về thế giới của đức Phật A-di-đà, thì người ấy đối với tuệ giác vô thượng sẽ bất thối chuyển, đối với thế giới ấy thì hoặc đã sinh, đang sinh hay sẽ sinh về”. Nếu đã tin vào “Phật lực” có khả năng tiếp độ, tin vào “tự lực” có khả năng tịnh hóa thân tâm qua câu niệm Phật để “sinh về” Cực Lạc thì sẽ phát khởi tâm nguyện tu tập. Đó là điều hẳn nhiên như vậy!.

Hình ảnh tại buổi giảng:

Diệu Thanh – Minh Thông

 

Tin đã đăng