Sáng ngày 20/ 4/ 2025 (23 tháng 3 năm Ất Tỵ ) tại chùa Phước Viên, số 318 Xô Viết Nghệ Tĩnh, P. 19, quận Bình Thạnh, TP. HCM. TT. Thích Quảng Thiện đã có buổi thuyết giảng KINH A DI ĐÀ, chủ đề: “Hạnh” (áp dụng giáo lý Phật Đà vào cuộc sống hiện đại). Đức Phật đã tuyên bố lí do Ngài có mặt ở đời là chỉ ra cho chúng sanh thấy rằng, cuộc đời này là khổ đau và giới thiệu con đường thoát khổ để đạt được hạnh phúc thật sự. Nhưng thật khó cho mọi người tin rằng “tâm bình thế giới bình”, rằng cuộc đời này sẽ tươi đẹp nếu tâm mình an tịnh.
Để đáp ứng ước nguyện ấy và cũng để dẫn dắt con người quay về với những giá trị hạnh phúc thực tại, đức Phật đã phương tiện giới thiệu cõi nước Cực Lạc, quốc độ của đức Phật A-di-đà, nơi không hề có khổ đau, mà chỉ có an ổn và hạnh phúc thật sự.
Không dừng lại ở Tín và Nguyện, điều quan trọng là phải biến hai điều ấy thành hành động trải nghiệm thiết thực (Hạnh). Nhìn thấu – buông xả – tự tại – tùy duyên – niệm Phật và Chân thành – thanh tịnh – bình đẳng – chánh giác – từ bi “ là 2 câu hiệu thực hành pháp niệm Phật.
Pháp môn niệm Phật phù hợp trong mọi hoàn cảnh, không hạn chế không gian và thời gian. Trong kinh A-di-đà, đức Phật tóm thâu vạn hạnh của Bồ-tát, mà chỉ dạy một pháp môn tối ưu là Trì Danh Hiệu Phật, thì vấn đề áp dụng tu tập trong cuộc sống trở nên dung dị, đơn giản. Pháp Trì Danh nhiếp tâm trong mỗi niệm hiện tiền là cách ngắn nhất để vượt tắt tam giới.
Giữa chốn nhân gian, con người ta phải tiêu tốn cả đời, hy sinh không biết bao nhiêu mồ hôi và nước mắt để tìm kiếm cái gọi là “hạnh phúc”. Nhưng, những cảnh ngộ trái ý nghịch lòng giữa đời, luôn đẩy con người đến những trạng thái bất an. Xét cho cùng, tâm lí bất an này phát sinh trên cơ sở của tham, sân, si.
Cõi Cực Lạc là một bức tranh hoàn mỹ về một thế giới văn minh lý tưởng. Trước tiên, đối với hoàn cảnh xã hội đương đại, con người không thể chấp nhận được những tế toái trong hiện thực, nên phải ước vọng về một xã hội lý tưởng, nơi ấy sẽ không có những đau khổ về vật chất (đau khổ về thân) và bức bách về tinh thần (khổ về tâm) như kinh nói: “Vô hữu chúng khổ, đản thọ chư lạc”. Các khổ đau vì cảnh sanh, già, bệnh, chết của kiếp sống hiện tại cũng được giải quyết.
Ở Tịnh độ, người ta được thỏa chí nguyện vì mỗi sáng, họ đều có thể đem hoa báu đi cúng dường khắp mười phương chư Phật, một ước nguyện mà đời sống hiện tại không có điều kiện để làm. Thay vì phải nghe những âm thanh không thuận tai, gây bao phiền não, thì ở Tịnh độ, ngày đêm sáu thời đều nghe những âm thanh hòa nhã, làm êm dịu lòng người, khiến mọi người hướng lòng về thiện pháp, v.v… Tất cả nội dung của thế giới lí tưởng, là những giải đáp cho nỗi ưu tư khắc khoải của cuộc sống con người.
Như vậy, nếu xét kĩ hơn, cõi Cực Lạc chính là hình ảnh cõi trần được tịnh hóa. Cho nên, ở một góc độ nào đó, người ta có thể tìm thấy Tịnh độ ngay trong cuộc sống hiện tại. Vấn đề ở đây là “tâm dẫn đầu các pháp, tâm làm chủ tạo tác, nếu nói hay hành động, với tâm ý thanh tịnh, an lạc liền theo sau, như bóng không rời hình “ .Cũng vậy, dòng tâm cũng chỉ là một chuỗi tâm thức sinh diệt trôi chảy không ngừng. Từ khi hành giả thực tập nhiếp đương niệm trong câu niệm Phật, thì những tâm lí bất an dần tan biến, cho đến khi “nhất tâm bất loạn” thì đâu còn chỗ cho tham, sân, si hay những nguyên nhân gây bất an tồn tại.
Chính lúc đó, tâm hành giả biết rõ một tâm thái tĩnh lặng, bình an thật sự, hay chính đó là tâm thanh tịnh của Phật. Tâm đã thanh tịnh, thì ngay tại đây và chính lúc này ta đang sống trong Tịnh độ. Niệm trước, niệm sau liên tục trôi chảy đều như vậy, tức là hành giả đã sinh trong Tịnh độ, đang sống trong Tịnh độ và sẽ sinh về Tịnh độ.
Hình ảnh tại buổi giảng:
Diệu Thanh – Minh Thông