Sáng ngày 01/12/2024 (01 tháng 11 năm Giáp Thìn). Tại chùa Phước Viên, số 318 Xô Viết Nghệ Tĩnh, quận Bình Thạnh. ĐĐ. Thích Đức Lộc đã có buổi thuyết giảng Kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật – Pháp quán 13: Tạp tưởng quán (Quán tưởng chung 3 vị đại thánh).Từ phép Quán thứ nhất đến phép Quán thứ mười hai thuộc Quán Tưởng Niệm Phật. Từ phép Quán thứ mười ba thuộc về Quán Tượng Niệm Phật, phương pháp này khác với các phương pháp trước.
Mở đầu cho phép quán này, Phật bảo A Nan và Vi Đề Hy: – Nếu muốn chí tâm sanh về Tây Phương, trước hết hãy nên quán tượng cao một trượng sáu ở trên mặt nước trong ao bát đức.Trong phần trước đã nói thân tướng của Phật và Bồ Tát đều vô cùng cao lớn, thật sự rất khó tưởng tượng; nhưng Quán Tượng Niệm Phật cũng phải rất có phước báo thì mới được. Nếu chẳng có phước báo, rất khó tu hành! Nếu phước báo rất lớn, chính mình cũng chẳng phải làm chuyện gì, cuộc sống có người chăm sóc, trong nhà có Phật đường, trong Phật đường khắc hình tượng Phật, Bồ Tát cao một trượng sáu thước. Tượng Phật thờ trong nhà, mỗi ngày nhìn ngắm, quán tượng; nhưng nếu rời khỏi Phật đường, cái nhân tu tập ấy bị đoạn mất, nên phải thường ở trong Phật đường quán tượng. Hiện thời, cách tu này không chỉ là rất khó đối với người tại gia, mà đối với người xuất gia cũng rất khó! Phải buông hết thảy xuống, mỗi ngày quán tượng trong Niệm Phật Đường, rất khó! Đó là [nói về cách tu quán tưởng] kim thân cao một trượng sáu.Hành giả nương theo các phép Quán về chánh báo và y báo như trên đây, tuy đã tu chuyên ròng, vẫn chưa chứng nhập. Ý nói tuy tu Quán đúng như các phương pháp trên đây, nhưng chẳng thể quán thành tựu. Chẳng thể thành tựu, bèn chẳng thể đắc lực. “Cái tâm cầu được vãng sanh ấy càng được thêm đôn đốc, nên gọi là chí tâm”, nhưng cái tâm cầu sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới hết sức ân cần, tha thiết.
Quán chẳng thành, nhưng chúng ta rất mong mỏi được sanh về Tây Phương Cực Lạc thế giới, làm như thế nào đây? Bất đắc dĩ, đức Phật lại dạy chúng ta một phương pháp: Trước khi quán hai vị thị giả, bèn tưởng Di Đà, nên nói là trước hết quán tượng cao một trượng sáu. Đây là thân cao một trượng sáu thước, chúng ta sẽ dễ quán hơn nhiều. “Hành nhân muốn thác sanh trong ao sen nơi cõi ấy, nên dạy họ quán tượng ở trên mặt nước trong ao”. Tuy chúng ta thờ phụng hình tượng Phật, phải tưởng tượng Phật ấy đứng trên hoa sen báu trong ao bảy báu. Do đó, trong quán tượng còn bao gồm quán tưởng, nhưng quán tượng là chủ, dễ tu thành công hơn! Đối với những chữ tiếp đó đã bao hàm hết thảy vạn pháp, tâm này làm Phật, tâm này là Phật, [tương tự, ta cũng có thể nói] tâm này làm Bồ Tát, tâm này là Bồ Tát. “Tâm làm, tâm là” bao quát hết thảy muôn pháp thế gian và xuất thế gian, y báo và chánh báo trang nghiêm trong mười pháp giới đều chẳng lìa khỏi nguyên tắc này.Đối với những điều đã nói trong phần trước, đức Phật biết rất rõ ràng, nhất là phàm phu trong đời Mạt chắc chắn chẳng thể quán thành công! Đừng nói là quán thân tướng Phật, ngay cả quán mặt trời hay quán nước, chúng ta đều chẳng có cách nào thành tựu.
Nhưng do túc nghiệp lực của đức Như Lai ấy, hễ có ai ức tưởng, ắt được thành tựu.
Pháp môn Niệm Phật hoàn toàn cậy vào thần lực Tam Bảo gia trì, đặc biệt là A Di Đà Phật nguyện lực chẳng thể nghĩ bàn, nhất định gia trì chúng ta. Tâm nguyện của chúng ta càng thanh tịnh, càng khẩn thiết, sức mạnh gia trì của Phật lực càng rõ rệt. Quý Phật tử phải hiểu, đây là một sanh lộ, là hy vọng duy nhất của chúng ta. Lục đạo là tử lộ, nhất định phải buông xuống chuyện trong lục đạo. Những chuyện gì trong lục đạo? Các thứ kiến giải, các nỗi vọng tưởng, các thứ phân biệt, chấp trước, tham, sân, si, mạn, tất cả đều là chuyện thuộc về lục đạo, phải vứt bỏ. Chẳng vứt bỏ, quý vị đang tu gì thế? Tu lục đạo! Người học Phật, nói thật ra, bề ngoài là đang học Phật, nhưng thật ra là đang tu lục đạo rất nhiều! Cớ sao rất nhiều? Trong Phật môn mà ganh tỵ, chướng ngại, thị phi, nhân ngã, miệng niệm Phật nhưng trong tâm vẫn muốn làm những chuyện đó! Đấy là gì? Tu lục đạo luân hồi, tu ba ác đạo trong Phật môn! Chúng ta thấy người khác có những điều ấy, đừng quan tâm đến, chính mình quyết định chớ nên khởi ý niệm ấy.Chúng sanh: Phàm những tướng do các duyên hòa hợp mà sanh ra thì đều gọi là “chúng sanh”. Hết thảy mọi người là chúng sanh, hết thảy sự vật cũng là chúng sanh, bàn ghế máy móc cũng đều là chúng sanh. Chẳng có gì không phải là chúng sanh, vì đều do các duyên hòa hợp mà sanh. Tùy thuận như thế nào? Đối với hết thảy chúng sanh, nói cách khác, đối với hết thảy hoàn cảnh nhân sự hay hết thảy hoàn cảnh vật chất, bất luận là người thiện, kẻ ác, người tốt, kẻ xấu, cảnh giới là thuận cảnh hay nghịch cảnh, chúng ta đều chẳng khởi tâm, mà cũng chẳng động niệm, đó là “hằng thuận”. Hễ khởi tâm động niệm thì còn thuận theo gì nữa? Hằng thuận tự tánh của hết thảy chúng sanh. Lục Tổ đã nói về tự tánh rất hay: “Vốn chẳng có một vật, chỗ nào nhuốm bụi trần”, trong “vốn chẳng có một vật”, hằng thuận tự tánh. Hằng thuận tự tánh của hết thảy chúng sanh, hằng thuận vật tánh. Không khởi tâm, chẳng động niệm là thuận; khởi tâm động niệm sẽ không thuận, phải biết điều này.Tùy hỷ là giúp người khác thành tựu những điều tốt đẹp. Thấy chuyện của người ta có lợi ích cho chúng sanh, lợi ích xã hội, chúng ta sẽ tận tâm tận lực giúp đỡ, thành toàn người ấy. Thành toàn như thế nào thì là tùy hỷ? Thành toàn mà chẳng kể công sẽ là tùy hỷ. Không cần danh, chẳng cần lợi, chẳng cần công đức, tận tâm tận lực giúp đỡ họ, đó gọi là tùy hỷ. Nếu trong ấy có xen lẫn danh lợi, lại muốn tranh giành những điều tốt đẹp, đó chẳng phải là tùy hỷ. Tùy hỷ hoàn toàn là nghĩa vụ, trọn hết nghĩa vụ, chẳng cầu quyền lợi, đó mới là tùy hỷ. Do đó, cương mục tu học của Bồ Tát thật sự được bao gồm trong ý nghĩa của tùy hỷ này. Nếu chúng ta chẳng hiểu rõ ràng, sẽ thường là tu hành hoàn toàn sai lầm.Vì chúng ta thấy tượng Phật, có tượng Phật lớn, có tượng Phật nhỏ, rốt cuộc chúng ta quán tượng to tốt hơn, hay quán tượng nhỏ tốt hơn? Lớn hay nhỏ đều như nhau. Biết tướng thị hiện của đức Phật là “thuận theo tâm chúng sanh mà ứng với khả năng tiếp nhận của họ”. Đức Phật hiện thân tướng có thể lớn, có thể nhỏ; nhưng lớn cũng là pháp giới, nhỏ cũng là pháp giới, chỉ cần tâm chúng ta dùng cái tâm chí thành, cung kính để quán tưởng, sẽ là chánh xác, lợi ích đạt được chắc chắn là như nhau.Bồ Tát vì thị hiện thân phận là bạn học của chúng sanh, giống như kinh Vô Lượng Thọ đã nói: “Vị chư thứ loại, tác bất thỉnh chi hữu” (Vì muôn loài mà làm bạn chẳng thỉnh). Do đó, các Ngài nhất định phải hiện thân đồng loại với chúng sanh, thân tướng giống như chúng sanh.
Hình ảnh tại buổi giảng:
Thực hiện: Diệu Thanh – Minh Tuấn