Thứ Ba, 15 Tháng 7 2025

TP. HCM: KINH ĐỊA TẠNG BỒ TÁT BỔN NGUYỆN DO TT. THÍCH QUẢNG THIỆN THUYẾT GIẢNG TẠI CHÙA PHƯỚC VIÊN

Sáng ngày 06/ 7/ 2025 (12 tháng 6 năm Ất Tỵ), tại chùa Phước Viên số 318 Xô Viết Nghệ Tĩnh, P. Thạnh Mỹ Tây, Tp. HCM – TT. Thích Quảng Thiện đã có buổi thuyết giảng KINH ĐỊA TẠNG BỒ TÁT BỔN NGUYỆN, chủ đề: BIỆT ĐỀ (Huyền nghĩa tên Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện Kinh) trong khóa tu “Ngày An Lạc”. Kinh Địa Tạng Bổn Nguyện, một trong những bộ kinh quan trọng và phổ biến của Phật giáo Đại thừa, mang trong mình những tầng ý nghĩa sâu sắc, vừa gần gũi với đạo làm người, vừa thể hiện tinh thần đại bi, đại nguyện của Bồ tát. Tựa đề của kinh đã hàm chứa trọn vẹn tinh thần cốt lõi ấy. Huyền nghĩa ở đây có thể hiểu là ý nghĩa sâu xa, thẳm sâu, vượt lên trên bề mặt văn tự. Để hiểu được huyền nghĩa của kinh, trước hết cần phân tích từng thành phần trong tựa đề: Địa Tạng, Bổn NguyệnKinh. Tôn danh “Địa Tạng” là sự kết hợp của hai chữ mang ý nghĩa biểu trưng sâu sắc: Địa : Tức là đất. Đất là nền tảng cho vạn vật sinh sôi, nảy nở. Đất âm thầm, nhẫn nại, dung chứa tất cả, dù là hương thơm hay vật ô uế. “Địa” ở đây dụ cho Tâm Địa của mỗi chúng sinh. Tâm địa này là nền tảng cho mọi pháp lành và pháp ác. Tu hành chính là vun bồi cho mảnh đất tâm, để từ đó hạt giống Bồ đề được nảy mầm và phát triển. Hình ảnh của đất cũng tượng trưng cho lòng nhẫn nại, sức chịu đựng vĩ đại và khả năng nâng đỡ, cứu vớt tất cả chúng sinh của Bồ tát Địa Tạng. Tạng : Tức là kho tàng, sự chứa đựng. “Tạng” chỉ kho công đức vô lượng, kho trí tuệ và lòng từ bi vô biên của Bồ tát. Như lòng đất ẩn giấu bao khoáng sản quý giá, Bồ tát Địa Tạng chứa đựng vô số phương tiện thiện xảo để cứu độ chúng sinh. “Tạng” cũng chính là khả năng tiềm tàng trong tâm của mỗi người, kho Như Lai Tạng, Phật tánh sẵn có, chỉ vì bị vô minh che lấp mà chưa hiển lộ. Vì vậy, Địa Tạng chính là biểu trưng cho Tâm Địa hàm chứa kho tàng công đức và Phật tánh. Bồ tát Địa Tạng là một vị Bồ tát đã tu chứng và thể hiện trọn vẹn Tâm Địa này, dùng nó làm nền tảng để thực hành hạnh nguyện cứu độ.“Bổn Nguyện” chính là những lời thệ nguyện căn bản, to lớn và kiên cố của Bồ tát Địa Tạng được phát khởi từ vô lượng kiếp trong quá khứ. Nổi bật nhất là đại nguyện: “Địa ngục vị không, thệ bất thành Phật. Chúng sinh độ tận, phương chứng Bồ đề.” (Nghĩa là: Địa ngục chưa trống không, thề không thành Phật. Chúng sinh chưa được độ hết, mới chứng quả Bồ đề).Lời nguyện này thể hiện một tinh thần nhập thế triệt để, một lòng từ bi vô hạn, sẵn sàng ở lại nơi đau khổ nhất để cứu vớt những chúng sinh cùng khổ nhất. “Bổn Nguyện” không chỉ là lời thề của riêng Bồ tát Địa Tạng, mà còn là kim chỉ nam cho tất cả những ai muốn bước trên con đường Bồ tát đạo. Đó là sự xác lập một chí nguyện vững chắc, lấy việc cứu độ chúng sinh làm mục tiêu tối hậu. Kinh” có nghĩa là kinh điển, là lời dạy của Đức Phật. Nhưng sâu xa hơn, “Kinh” còn có nghĩa là con đường, là kim chỉ nam. Bộ kinh này vạch ra một con đường tu tập rõ ràng, bắt đầu từ nền tảng đạo đức căn bản nhất là lòng hiếu thảo. Vì vậy, Địa Tạng Bổn Nguyện Kinh không chỉ là một bộ kinh kể về công hạnh của một vị Bồ tát, mà còn là tấm bản đồ chỉ dẫn con đường tu tập từ nền tảng hiếu đạo đến quả vị giải thoát, lấy đại nguyện cứu khổ làm động lực và lấy việc khai mở tâm địa làm cốt lõi. Tiếp theo chương trình tu học Phật pháp khóa tu “Ngày An Lạc” là thời khóa niệm Phật, dưới sự hướng dẫn của Chư Tôn Đức Ni tại Bổn Tự.

Diệu Thanh – Minh Tuấn

Tin đã đăng