Thứ Bảy, 27 Tháng Bảy 2024

VĨNH LONG: NI SƯ THÍCH NỮ NHƯ NGUYỆT THUYẾT GIẢNG TẠI CHÙA PHƯỚC VIÊN CHỦ ĐỀ “GIỮ VỮNG NIỀM TIN VỚI TAM BẢO”

Chiều ngày 15/03/2024 (6 tháng 2 năm Giáp Thìn). Ni sư Thích nữ Như Nguyệt – Ủy viên HĐTS, Phó viện trưởng Học viện PGVN tại TP. HCM, Phó Trưởng Phân Ban Ni giới Trung ương, Phó PBNG GHPGVN TP. HCM, có buổi thuyết giảng tại chùa Phước Viên, tọa lạc tại xã Long Phước, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long qua chủ đề: “ Giữ vững niềm tin với Tam Bảo”. Qua lời chia sẻ, Tam Bảo là ba ngôi báu Phật, Pháp, Tăng. Phật tử quy y Tam bảo là trở về nương tựa ba ngôi báu, có niềm tin vững chắc, không có gì có thể lay chuyển được. Ở đây chúng ta giải thích theo nghĩa đơn giản, căn bản, không đi sâu vào phân tích pháp số, để quý Phật tử dễ dàng ứng dụng vào đời sống tu tập thực tế.

1- Niềm tin đối với đức Phật

Cách đây hơn 2.500 năm, đức Phật Thích Ca thị hiện nơi cõi Ta bà, nước Nepal – Ấn Độ, Ngài là một con người thật, sinh ra và lớn lên như những người bình thường, sau đó xuất gia, tu hành và thành đạo; nhưng có khác chúng ta là Ngài đã tu trong vô lượng kiếp về trước, nên kiếp này sinh trong một hoàn cảnh đặc biệt hơn người bình thường là một hoàng tử, một thái tử… xuất gia tu hành và thành tựu đạo quả, trở thành bậc Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, là bậc thầy của trời người, Ngài giác ngộ cho tự thân, đem sự kinh nghiệm và chứng đắc của mình dạy cho chúng sanh, để được giác ngộ như Ngài. Ngài không phải là đấng siêu nhiên, không ban phước hay giáng họa cho bất kỳ một chúng sanh nào. Sự thành tựu đó là do nỗ lực, tinh tấn của tự thân.   Ngày nay Phật tử chúng ta quy y Tam Bảo, quy y Phật là nương tựa với đức Phật, đức Phật đã nhập diệt, mỗi ngày chúng ta lạy Phật là để học theo lời Phật dạy, áp dụng vào đời sống thực tế, mang lại an lạc, đạt được quả vị giác ngộ, giải thoát như đức Phật. Nhưng khi có niềm tin và tôn kính đối với đức Phật, hàng Phật tử tại gia cũng nên nhớ đối với Cha Mẹ chúng ta phải làm tròn hiếu đạo, không thể chấp nhận một vị quy y Tam Bảo, làm các việc công đức, phụng sự đạo pháp mà không phụng dưỡng, hiếu kính đối với song thân.

2 – Niềm tin đối với giáo pháp

Pháp ở đây được hiểu theo nghĩa là lời dạy của đức Phật. Sau khi đức Phật diệt độ, các đệ tử trùng tuyên lại qua các lần kiết tập kinh điển, sau đó được chép lại thành văn bản. Trong thời đại ngày nay, được lưu hành bằng nhiều hình thức: sách, video.v..v… và truyền bá khắp nơi trên thế giới. Sở dĩ được gọi là Pháp bảo, tức là giáo pháp ấy có giá trị lớn lao giúp Phật tử chúng ta chuyển hóa tham, sân, si, giải thoát khổ đau đạt được Niết Bàn, an lạc, hạnh phúc. Lời dạy đức Phật bao gồm: Kinh là những chỉ dạy của đức Phật, Luật là Giới luật áp dụng cho Tăng, Ni và Phật tử tại gia, sau này chư Tổ sư thêm phần chú giải, biện luận đối với kinh và luật nên có thêm tạng Luận.  Nhờ giáo lý của Phật mà Tăng, Ni và tín đồ thực hành Giới luật, thiền định, trí tuệ để giác ngộ và giải thoát, vì tin vào giáo lý nên tín đồ học hỏi giáo lý, đọc tụng kinh sách, nghe chư Tăng giảng dạy Phật pháp, để nâng cao nhận thức, biết đường lối tu tập chân chính.Ngày nay, công nghệ thông tin phát triển nên rất nhiều bài giảng được đăng tải trên online, nếu chúng ta không biết phân biệt đâu là chánh tà, dễ nhầm lẫn khi nghe trên mạng các bài giảng không phải là Chánh pháp, dẫn đến sự cuồng tín, sanh hoài nghi đối với giáo pháp. Thế nên chúng ta phải có sự lựa chọn các bài giảng của chư Tôn đức để nghe, như: Đức Pháp chủ thượng Trí hạ Quảng, hòa thượng Luật sư Thích Minh Thông, Hòa thượng Thích Lệ Trang…Việc ấn tống kinh điển cũng vậy, xem nhu cầu của đạo tràng tu tập đó cần kinh sách gì thì chúng ta hãy cúng, không thể nghe bản kinh đó in và cúng dường bao nhiêu quyển được công đức này nọ, ví dụ ngày nay nhiều Phật tử photo bài kinh Bạch Y Thần Chú mang đến các chùa để rất nhiều, không ai sử dụng và nơi đó phải mang đi đốt … đây là điều rất lãng phí. Không nên tham gia bình luận mang tính xuyên tạc, phỉ báng trên mạng xã hội, điều này góp phần cho các phần tử xấu lợi dụng các bài pháp Phật giáo từ cắt xén, lắp ghép.v..v… kêu gọi người tham gia để câu lượt xem, nếu không chú ý chúng ta sẽ cộng nghiệp với những người đó, nên dùng trí tuệ để chọn lựa đâu là Chánh pháp, đâu là tà pháp.       3- Niềm tin đối với Tăng

Tăng là một trong ba ngôi báu quý báu đối với Phật giáo; là hàng xuất gia đệ tử của đức Phật. Sau khi Phật diệt độ, hàng đệ tử xuất gia thay Phật tuyên dương Chánh pháp, nhờ đó mà hàng đệ tử tại gia mới có cơ hội biết đến giáo lý của đức Phật để thực hành. Do từ sự giảng dạy mà tín đồ hiểu được lời Phật dạy, cùng nhau tu học Phật pháp. Đủ duyên với vị thầy nào thì chúng ta học hỏi đạo lý với vị ấy, không nên có sự phân biệt và bình luận vị này tốt, vị kia xấu.v..v…, điều này làm ảnh hưởng xấu đến hàng xuất gia, đủ duyên thì cùng nhau tu học, không đủ duyên thì đến học hỏi đạo lý với vị khác. Ngày nay công nghệ thông tin phát triển, nên điều gì cũng mang lên mạng bàn luận quá nhiều, là Phật tử chân chánh không nên góp phần làm cho cộng đồng mạng xôn xao, bàn tán, thậm chí có những lời khiếm nhã đối với Phật giáo và hàng xuất gia.Vì vậy, mỗi người chúng ta nên tin vào khả năng giác ngộ của chính mình, tin vào nhân quả, gieo nhân thiện thì gặt được quả tốt, gieo nhân ác thì gắt quả báo xấu, nên trong suy nghĩ, lời nói và hành vi của mình phải đúng Chánh pháp, tức là lời đức Phật được Tăng Ni giảng dạy, để sáng soi cho con đường mình đang đi, cùng nhau đưa đạt được giác ngộ, giải thoát trong đời sống hiện tại, phải nỗ lực tinh tấn tu tập thì tâm mới an tịnh, làm chủ được mình, cuộc sống sẽ được an lạc.Từ nỗ lực chuyển hóa thân tâm bằng niềm tin Chính tín, vững chắc vào Tam bảo, bản thân hằng mang lại nhiều lợi lạc cho chính mình và cho mọi người. Niềm tin với Tam Bảo là yếu tố thiêng liêng trong trái tim mỗi người Phật tử, niềm tin ấy còn phát huy tối đa những giá trị tốt đẹp của đạo Phật, nhằm xây dựng một cuộc sống bình an, một gia đình hạnh phúc, một xã hội hòa bình, phát triển tinh thần từ bi và trí tuệ.

Hình ảnh tại buổi giảng:

Thực hiện: Minh Tâm

Tin đã đăng